Le Van Hoan
08/03/2014

Sakura và Hanami

Sakura và văn hóa ngắm hoa Hanami trong mỗi dịp mùa xuân ở Nhật Bản.

Tháng 4 có một ý nghĩa đặc biệt đối với người Nhật: đó là lúc hoa anh đào nở. Hoa anh đào, hay sakura, là loại hoa nhỏ, có nhiều màu từ gần như trắng đến hồng thẫm, với đặc điểm nở rộ cùng một lúc. Mỗi cây có rất nhiều hoa nên khi nở trông không khác nào một bó hoa khổng lồ. Vào mùa xuân, khi thời tiết ấm dần lên, thảm hoa anh đào như đợt sóng lan từ miền nam lên miền bắc quần đảo Nhật Bản.

Nói chung, từ sakura chỉ các loại đào hoa chứ không phải đào quả. Có khoảng 300 loại hoa anh đào mà phổ biến nhất là 3 loại sau:

Somei yoshino được trồng trong các công viên và dọc các bờ sông. Tuổi thọ của loại cây này chỉ khoảng 20 năm và cao khoảng 7m, ra hoa cánh đơn lớn hơn các hoa anh đào khác và có màu hồng.

Yamazakura mọc hoang tại các vùng núi từ miền trung xuống phía nam đảo chính Honshu, cũng được con người trồng và lai tạo từ lâu. Cây đạt độ cao 20 đến 25m, lá có răng cưa, hoa màu hồng hoặc gần như trắng.

Shidarezakura được trồng nhiều trong vườn chùa, cao khoảng 20m, hoa thường là loại cánh đơn và có màu hồng trắng nhưng cũng có loại cánh kép màu đỏ.

Sakura và Hanami

Màu trắng tinh khôi của Sakura.

Khi hoa anh đào nở, người Nhật có tập quán đi ngắm hoa anh đào, gọi là hanami, và họ tụ tập ở những nơi có nhiều cây hoa như các công viên, bờ sông, đền, chùa. Bên gốc sakura, họ vừa ngắm hoa vừa uống rượu sake, ăn uống, hát hò. Chỉ một cơn gió, những cánh hoa mỏng manh bị bứt ra khỏi cành, đung đưa nhẹ nhàng rồi đáp xuống thảm cỏ hoặc vương trên mái tóc, tạo khung cảnh cực kỳ thơ mộng. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, các gia đình, các nhóm bạn bè, đồng nghiệp lập thành những nhóm đông và đổ đến các địa điểm ngắm hoa nổi tiếng, mang theo cả bộ giàn máy karaoke, vui chơi đến tận khuya. Truyền hình và phát thanh cũng thường xuyên thông báo tình hình hoa nở để mọi người biết sóng hoa đã lan đến vùng nào của đất nước.

Dường như phong tục ngắm hoa anh đào bắt nguồn từ một lễ hội tôn giáo của nhà nông, được tổ chức trong thời gian từ mồng 3/3 đến 8/4 âm lịch, trước khi công việc đồng áng của một năm bắt đầu. Người nông dân cắt cành hoa anh đào trên núi và mang về treo lên hiên nhà, sau đó tổ chức tiệc của làng.

Rồi hanami ra đời như một hình thức giải trí của giới quý tộc. Xưa kia, các vị Nhật hoàng thường dẫn quần thần đi tìm địa điểm phù hợp để ngắm hoa, và tại đó, các nhà thơ cũng như nghệ sĩ tổ chức những màn biểu diễn nghệ thuật để ngợi ca vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào. Vào thời Heian (794-1185) các buổi tiệc ngắm hoa anh đào rất được ưa chuộng trong giới quý tộc ở Nhật Bản. Phong tục này đạt tới đỉnh điểm vào năm 1598, khi nhiếp chính Toyotomi Hideyoshi tổ chức bữa tiệc ngắm hoa anh đào có một không hai ở chùa Daigo, gần Kyoto, gọi là Daigo no Hanami, với sự tham dự của tất cả các lãnh chúa thế lực trong vùng. Cùng năm đó, ông qua đời.

Khi chính quyền tướng quân Tokugawa của Ieyasu lên cầm quyền và bắt đầu thời kỳ Edo, nhiều phong tục của tầng lớp thượng lưu lắm đặc quyền được dân chủ hóa. Hanami cũng không nằm ngoài xu hướng chung này và trở nên phổ biến trong dân chúng. Tuy nhiên, kiểu ngắm hoa cầu kỳ và thanh nhã trước đó được thay thế bằng việc chú trọng tạo không khí vui tươi, nhảy múa, ca hát và ăn uống.

Chính trong thời kỳ này, hoa anh đào bắt đầu được trồng trong sân đền, chùa, các bờ sông và những nơi có thể thưởng ngoạn, thay vì để mặc cho cây mọc hoang trên núi và cánh đồng. Hiện nay các địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng là Yoshinoyama thuộc tỉnh Nara, Arashiyama ở Kyoto, còn ở Tokyo là công viên Ueno, bờ sông Sumida, công viên Koganei và Asukayama.

   

Sakura và Hanami
   

Truyền thống ngắm hoa cùng người thân, bạn bè của người Nhật.

Sakura và hanami được nhắc tới thường xuyên trong văn học Nhật Bản, cả cổ đại và hiện đại, từ thơ ca cho đến kịch kabuki; các nghệ sĩ cũng thường lấy cảm hứng từ hoa anh đào, chẳng hạn hình tượng này được thể hiện rất nhiều trong tranh khắc gỗ ukiyo-e. Người ta cho rằng các giá trị truyền thống của Nhật Bản về sự thuần khiết và tính giản dị được phản ánh ở hình thức và màu sắc của hoa anh đào. Vì hoa nở rồi tàn trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 1 tuần, anh đào trở thành biểu tượng cho cách thưởng thức vẻ đẹp phù du của người Nhật. Đối với người Nhật, hoa đào đồng nghĩa với bản chất ngắn ngủi của chính cuộc sống cũng như vẻ đẹp thanh xuân.

Hoa anh đào trải dài từ miền bắc xuống miền nam Nhật Bản và đó cũng là là loại hoa gần gũi nhất với tâm hồn người Nhật.


Bài viết ngẫu nhiên
Cánh cổng thiền Torii – biểu tượng văn hóa Nhật Bản
Cánh cổng thiền Torii – biểu tượng văn hóa Nhật Bản
Rousoku – Vẻ đẹp nến Nhật Bản
Rousoku – Vẻ đẹp nến Nhật Bản
10 lâu đài cổ xưa nhất Nhật Bản
10 lâu đài cổ xưa nhất Nhật Bản
Những sự thật gây sốc về Ninja
Những sự thật gây sốc về Ninja
Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?
Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?
“Tắm tiên” với Onsen ở Nhật Bản
“Tắm tiên” với Onsen ở Nhật Bản
Sự tích về chú mèo dụ khách ở Nhật Bản
Sự tích về chú mèo dụ khách ở Nhật Bản
Kỳ thi đại học ở Nhật Bản
Kỳ thi đại học ở Nhật Bản
15 đam mê của người Nhật Bản
15 đam mê của người Nhật Bản
Lịch sử Kimono qua các thời kỳ.
Lịch sử Kimono qua các thời kỳ.


Fanpage "tiếng nhật 24h"