lê hoàn
22/04/2014

10 thói quen kỳ lạ ít ai biết đến của người Nhật Bản

1. “Vây cá mập lịch sự”

Thói quen này là một trong số nhiều bằng chứng chứng minh rằng Nhật Bản là quốc gia lịch sự nhất thế giới. Người Nhật khi đi vượt qua mặt một ai đó, hoặc đi qua giữa hai người khác đang nói chuyện, sẽ thực hiện một hành động tạm gọi là “vây cá mập lịch sự.” Tạm gọi như vậy là vì đây là hành động đưa một bàn tay ra trước mặt như thể đang cắt qua không khí, hay như một chiếc vây cá mập lướt trên mặt biển vậy. 
 
Hành động này của người Nhật thường đi kèm với lời nói nhỏ “sumimasen” (“xin lỗi”) hoặc một cái gật đầu hay cúi đầu nhẹ. Đây có lẽ là một trong số những hành động đáng yêu nhất của người Nhật mà bạn bắt gặp khi đi ra ngoài hoặc đi làm việc tại các văn phòng ở Nhật.
 
2. Cử chỉ “lại đây” rất giống với cử chỉ “đi đi”
 
Một trong số những cử chỉ của người Nhật hay khiến cho người nước ngoài hiểu lầm và bối rối nhất chính là hành động vẫy tay để gọi một ai đó “lại đây” của họ. Ở Nhật, việc ngửa lòng bàn tay lên để gọi một ai đó về phía mình được coi là thô lỗ. Thay vì làm như vậy, họ úp bàn tay xuống và hất các ngón tay về phía mình. 
 
Vấn đề là cử chỉ này trông rất giống với cử chỉ “xua đuổi” của người phương Tây. Tóm lại, nếu bạn có bao giờ bối rối không rõ mình đang được “gọi lại” hay đang bị “đuổi đi” thì hãy nhớ rằng người Nhật rất lịch sự, vì vậy kể cả khi họ muốn đuổi bạn đi, họ cũng sẽ không xua bạn đi chỗ khác như vậy đâu.
 
3. Đỏ mặt khi uống bia rượu
 
Phản ứng đỏ mặt khi uống rượu, đôi khi còn được người phương Tây biến đến với cái tên “Hội chứng đỏ mặt của người châu Á” là một phản ứng trong đó acetaldehyde – một hợp chất hóa học được cơ thể sản sinh ra khi hấp thụ rượu – khiến cho các vùng da trên người hay trên mặt đỏ lên. Đây là một phản ứng đặc biệt phổ biến ở những người châu Á. 
 
Mặc dù đỏ mặt như vậy, họ vẫn có thể nói chuyện bình thường và có thể đứng vững, tức là họ chưa hề say. Đối với người nước ngoài, việc ngồi uống rượu với người Nhật thực sự là một trải nghiệm thú vị, khi họ được chứng kiến hiệu ứng của rượu tác động lên cơ thể con người. 

10 thói quen kỳ lạ ít ai biết đến của người Nhật Bản

4. Mua nhiều đồ lưu niệm để tặng đồng nghiệp
 
Tại hầu hết các công ty Nhật Bản, việc nghỉ phép là một điều gì đó khá nghiêm trọng, và rất ít người nghỉ phép nhiều hơn vài ngày để đi nghỉ. Vì vậy, khi người Nhật xin nghỉ làm ở cơ quan, họ thường cảm thấy cần phải mua quà về cho các đồng nghiệp như một lời cảm ơn vì đã làm việc thay họ trong những ngày nghỉ đó, hoặc để chia sẻ một chút niềm vui trong kì nghỉ của mình. 
 
Theo góc nhìn phương Tây, việc mua đồ lưu niệm (“omiyage”) cho tất cả các đồng nghiệp ở cơ quan – mặc dù là một cử chỉ hào phóng và đáng học tập – là một cử chỉ hơi kỳ lạ. Nhưng ngay cả người Nhật đôi khi cũng cảm thấy thói quen này khá “mệt mỏi” và đôi khi họ mua quà chỉ vì họ thấy bị bắt buộc phải làm vậy.
 
5. “Tự hạ giá” những món quà
 
Sau khi người Nhật mua những món quà, mang chúng về nhà và đem tới cơ quan để tặng, họ sẽ nói với người nhận quà rằng món quà này “không có gì đặc biệt” và ngay lập tức “tự hạ giá” chúng. Điều này không chỉ áp dụng với omiyage, mà còn áp dụng với mọi loại quà khác. 
 
Người Nhật khi tặng quà sẽ nói “tsumaranai mono desu kedo” (tạm dịch là “không có gì nhiều nhặn, nhưng …”) để “giảm kỳ vọng” của người nhận về món quà đó. Dĩ nhiên đôi khi người Nhật nói câu nói này chỉ để tỏ ra lịch sự thôi, nhưng có lẽ món quà bạn được tặng phải thú vị lắm thì một người Nhật mới nói với bạn rằng “Chắc chắn bạn sẽ rất thích món quà này!”
 
6. Xem cho tới hết phần giới thiệu cuối phim ở rạp

Những đóng góp của đoàn làm phim và những người tham gia thực hiện một bộ phim là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên không mấy ai ở lại phòng chiếu xem cho tới hết những dòng chữ chạy trên màn hình. Thế nhưng đây lại là điều bình thường ở Nhật. 
 
Nhiều người Nhật muốn thể hiện sự tôn trọng đoàn làm phim, ngoài ra cũng có nhiều người không muốn là người đứng lên đầu tiên. Một số người khác muốn đứng lên ngay, nhưng vì phòng chiếu vẫn chưa sáng đèn, nên họ vẫn ở lại vì không muốn bị ngã.
 
Dù lý do là gì đi chăng nữa, thì cảnh tượng hơn một trăm người Nhật im lặng nhìn những dòng chữ trắng chạy trên màn ảnh vẫn là một cảnh tượng kỳ lạ.

10 thói quen kỳ lạ ít ai biết đến của người Nhật Bản

7. Cúi đầu liên tục trong khi nói chuyện điện thoại
 
Việc cúi đầu nhằm thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng là khá phổ biến tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, tuy nhiên Nhật Bản có lẽ là nơi mà cử chỉ này phổ biến nhất. Nó phổ biến đến mức người Nhật thường hay cúi đầu một cách vô thức trong khi nói chuyện điện thoại, mặc dù người ở đầu dây bên kia không thể nhìn thấy cử chỉ ấy.
 
8. Súc miệng

Mặc dù một loạt các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc súc miệng bằng nước, tiếng Nhật gọi là “ugai”, không có tác dụng chống cảm cúm và cảm lạnh, trẻ em Nhật Bản vẫn được dạy rằng sau khi từ ngoài trời vào trong nhà, các em cần phải thực hiện 3 bước: đi thẳng tới vòi nước, rửa tay, và súc miệng. 
 
Những người đã lớn lên với niềm tin rằng việc súc miệng có thể giúp họ chống cảm cúm trong các tháng mùa đông đã dạy lại cho con cái họ, vì thế tới Nhật, bạn sẽ hay bắt gặp mọi người súc miệng bằng nước trong giờ nghỉ hay sau khi từ ngoài trời đi vào trong phòng.
 
9. Dấu X của sự từ chối
 
Như bạn có lẽ đã biết, ký hiệu X được sử dụng cả trong và ngoài nước Nhật một cách thông dụng nhằm chỉ một câu trả lời sai, hay để tắt một cửa sổ trên máy tính của bạn. Nhưng có lẽ không nơi đâu trên thế giới lại ưa thích bộ kí hiệu X (“batsu”) và O (“maru”) như ở Nhật Bản. 
 
Ký hiệu X đi sâu vào đời sống của người Nhật tới mức khi họ muốn thể hiện rằng một thứ gì đó là không tốt, họ sẽ ra dấu X bằng cách bắt chéo hai ngón tay hoặc hai cánh tay vào nhau. Thậm chí nếu bạn để ý tới tay cầm máy PlayStation ở Nhật, bạn sẽ thấy hai núi X và O có ý nghĩa ngược nhau hoàn toàn với các sản phẩm tương tự ở Mỹ và châu Âu, với núi O thực hiện lệnh “đồng ý” và núi X thực hiện lệnh “quay lại” hoặc “hủy bỏ.”

10 thói quen kỳ lạ ít ai biết đến của người Nhật Bản

10. Lịch sự ngay cả trong “cuộc chiến chỗ ngồi” trên các phương tiện công cộng

Người Nhật tỏ ra lịch sự ngay cả khi họ chen qua một đám đông hay tìm một chỗ ngồi trên các phương tiện như tàu hay xe bus. Tại các bến tàu vào buổi sáng ở Nhật, bạn sẽ bắt gặp cảnh mọi người đứng xếp hàng trong im lặng để chờ tín hiệu lên tàu. Sau đó, một cảnh tượng kỳ lạ sẽ xảy ra: dù không ai nói một lời nào, và vẫn đứng trong hàng, không hề chen lấn, những người Nhật gần như chạy tới để lên tàu, tìm cho mình một chỗ ngồi chỉ trong tích tắc, trong khi biểu hiện trên gương mặt họ vẫn gần như không thay đổi./.
 
 Những người bận rộn cũng có thể tranh chỗ của bạn, nhưng họ sẽ không hề xô đẩy hay va vào người bạn; họ chỉ nhanh chóng tiến lại và ngồi vào chỗ mà bạn tưởng rằng đã là chỗ của mình. Mọi người đều nhanh chóng và thậm chí là vội vã nhưng không hề tỏ ra như vậy, và cũng không hề gây ra tiếng động lớn nào.


Bài viết ngẫu nhiên
Rousoku – Vẻ đẹp nến Nhật Bản
Rousoku – Vẻ đẹp nến Nhật Bản
Awashima – Đền tưởng niệm búp bê Nhật Bản
Awashima – Đền tưởng niệm búp bê Nhật Bản
Uchikake Nhật Bản
Uchikake Nhật Bản
Lịch sử Kimono qua các thời kỳ.
Lịch sử Kimono qua các thời kỳ.
Độc đáo hai ngôi làng cổ Nhật Bản
Độc đáo hai ngôi làng cổ Nhật Bản
Gion – khu phố Geisha duy nhất còn lại ở Nhật Bản
Gion – khu phố Geisha duy nhất còn lại ở Nhật Bản
5 món ăn từ côn trùng được yêu thích nhất
5 món ăn từ côn trùng được yêu thích nhất
Daruma Nhật Bản- Búp bê may mắn
Daruma Nhật Bản- Búp bê may mắn
10 lâu đài cổ xưa nhất Nhật Bản
10 lâu đài cổ xưa nhất Nhật Bản
Nhật Bản: Lao động là tài sản quý giá nhất
Nhật Bản: Lao động là tài sản quý giá nhất


Fanpage "tiếng nhật 24h"