lê hoàn
27/04/2014

Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?

Hầu như ai đã đến Nhật Bản đều không thể không ngạc nhiên rằng một quốc gia như Nhật Bản có nền công nghiệp hiện đại nhất nhì trên thế giới với tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh (nhất là trong 2 thập kỷ 60-70) thường xuyên “quốc tế hoá” mọi quan hệ để mở rộng giao lưu về mọi mặt với bên ngoài vẫn còn giữ được những hình ảnh phong phú với nét gây ấn tượng về một đất nước có nền văn hoá lâu đời, đặc sắc khó tìm thấy ở nước Châu Á khác. Nét cổ kính ở con người xứ Phù tang ấy vẫn không bịphai mờ, để lại cho du khách đến thăm một sự quyến luyến và khâm phục.

van hoa nhat ban Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?

 

Tại sao làn sóng hiện đại hóa và công nghiệp hoá ở Nhật Bản xảy ra dồn dập trong suốt 50 năm qua vẫn không làm mất đi những truyền thống trong sinh hoạt, tập quán lẫn văn hóa của con người đất nước mặt trời mọc ? Đâu phải ở Nhật Bản không có nhạc Jazz, Rap, Rock’n Roll hay những dàn nhạc giao hưởng cổ điển phương Tây tầm cở, phát triển khá cao trong khi đó nền âm nhạc dân tộc vẫn tồn tại song song không hề bị lấn át, đủ sức thu hút những người vốn yêu thích. Trong những nghệ nhân hoạt động bảo tồn loại tuồng cổ Kabuki hay “Nô” một loại hình ca múa cung đình ở Nhật Bản cũng đã có người được phong là “Hạt ngọc sống của Quốc Gia” (Nigen Kokuhô) được xã hội tôn kính không thua một nhà bác học. Lãnh vực ăn uống cũng thế, bên cạnh những Restaurant kiểu cách lịch sự theo bếp Tây là những cửa hàng ăn cổ kính không kém phần sang trọng, trang nhã kiểu Nhật Bản với khe suối róc rách, bình rượu sake ấm cúng và thức ăn trong một lối bày biện thật hài hòa giữa màu sắc và hình dáng, giữa thiên nhiên và kiểu cách khó tìm thấy.

vanhoanhatban Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?

 

Một bình hoa trang trí theo lối Hoa Đạo, lối uống trà từ tốn để tịnh tâm của Trà Đạo và những nét chữ Hán viết bằng Thư Đạo đã làm cho du khách (nhất là khách phương Tây) ngẩn ngơ, thích thú, cảm thấy buổi ăn là một dịp tận hưởng đầy tính văn hóa và nghệ thuật. Đó là chưa nói đến những cô gái phục vụ trong bộ kimono rực rỡ với giọng nói ngọt ngào làm tôn lên cái bầu không khí rất ư Đông Phương ấy. Nói khác đi, khi cần ứng xử hay bố trí hiện đại theo Tây phương thì người Nhật cố gắng làm rất “Tây”, đúng “qui lát” mà văn hóa đó đòi hỏi, nhưng khi trở lại với phong cách truyền thống thì họ càng trau chuốt đưa nền văn hóa với bản sắc của mình nổi bật không thua sút. Phải chăng nền văn hóa dân tộc làm cho họ tự hào, hãnh diện, không hề mặc cảm tự ti. Điều đó chứng minh tại sao chúng ta ít thấy hiện tượng lai căng hay mất gốc trong xã hội Nhật Bản, trừ một vài trường hợp cá biệt trong lứa tuổi mới lớn.

vanhoanhatban1 Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?

 

( itsukushima-jinja 厳島神社 ở Hiroshima )
Khi bước vào một căn nhà của người Nhật khá giả, bạn sẽ gặp ngay vườn cây kiểng với hồ sơn thủy có cá vàng, cá đỏ tung tăng, với các cây hoa anh đào hay bon sai xinh xắn. Vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được mời cởi giày để bước lên chiếu (tatami) đưa vào phòng khách với những cánh cửa ô vuông nho nhỏ xinh xinh bằng gỗ dán giấy bồi trắng tinh (washi). Nhà càng sang bao nhiêu thì sự chưng bày lại gọn gàng và thanh lịch bấy nhiêu, một bát sứ cổ để ở góc, tấm liển viết một chữ Hán thật đẹp theo lối Thư Đạo trên tường thật trang trọng, một chiếc bàn đơn sơ nhưng là loại gỗ quí, hai ba cái gối để khách và chủ cùng ngồi xuống chiếu uống trà đàm luận thư thả khác với cảnh tất bật, vội vã chạy theo cuộc sống, làm việc công nghiệp mà bạn thường thấy trên màn ảnh. Tất nhiên vẫn có người thích bày biện và sinh hoạt theo lối Tây phương (xa lông, đèn chùm) nhưng số đông càng lớn tuổi và càng có chức vị thì lại muốn trở về với cội nguồn hơn, đó là sự thanh tịnh và tao nhã như truyền thống từ nghìn xưa.

vanhoanhatban2 Người Nhật gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?

Thỉnh thoảng trên TV chúng tôi thường thấy Nhật Hoàng tiếp các vị lãnh tụ các nước đến thăm thì ấn tượng ban đầu đập vào mắt là nét đơn sơ của bày biện trong phòng khách, không rộn ràng ức chế, thể hiện tâm hồn và tính nghệ thuật của dân tộc Nhật Bản khác hẳn với phòng tiếp khách của cung điện Elysée (Pháp) hay Birmingham (Anh) nguy nga tráng lệ và sang trọng. Nét uy nghiêm mang tính Nhật Bản là sự điềm đạm, tao nhã và thanh thoát hơn là kèn trống, ngựa xe huyên náo mặc dù mỗi nước đều có đặc tính riêng, khó có thể so sánh hơn thua. Nguồn gốc về đạo lý cương thường của dân tộc Nhật Bản cũng bắt đầu từ Khổng, Nho Giáo của Trung Hoa và tác động của Đạo Phật nhưng đã được Nhật hóa trong tiến trình phát triển của lịch sử, điều kiện địa lý đặc thù và mang tính đặc sắc của xã hội làng xã nông nghiệp rất khác với những nước chịu cùng ảnh hưởng (của triết lý Trung Hoa). Mặc dù đạo Phật đã phát triển hưng thịnh tại Nhật Bản trong nhiều thế kỷ (từ thế kỷ thứ 5) và có lúc ảnh hưởng đến quyền bính chính trị khá mạnh nhưng Thần Đạo (Shinto) vẫn là dòng chủ lưu tuy rằng cũng có lúc suy lúc nhược. Điều đó có thể thấy được rõ nét khi mỗi xóm làng nông thôn ngày trước đều có ít nhất là một ngôi Đền (Jinja – Thần Xã) riêng, có cấu trúc và nội dung khác hẳn với chùa chiền nguy nga gấp bội lần, rất đơn sơ nhưng đấy là nơi tập hợp các vị thanh niên, bô lão trong làng qua hình thức lễ hội (Matsuri) sau những ngày mùa gặt hái hay cuối năm. Ở Kyoto vẫn còn những kinh đô cũ với những con đường nhỏ hẹp, ngoằn nghèo, bên cạnh những chùa vàng (Kinkakuji), chùa Bạc (Ginkakuji) chùa Thanh Thủy (Kyomizu dera) nổi tiếng và rực rỡ thì cũng có những ngôi đền Shinto tuy không nhỏ nhưng hoàn toàn ngược lại. Chỉ có một chính điện trống trãi và hai cột đền sừng sửng (Torii) trang nghiêm.  Đặc biệt, hàng năm vào mùa rằm tháng 8 (Obon-Vu Lan) hay ngày đầu năm các vị Thủ tướng, Bộ trưởng thành tự nguyện đến cúng vái ở đền Yasukuni (Shinto) để tỏ lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã hi sinh trong chiến tranh(vì thế thường bị TQ, Triều tiên hay các nước bị Nhật bản xâm lược trước đây phản đối) thể hiện sự trung thành đối với Thiên Hoàng. Tuy nhiên bản sắc độc đáo đó của người Nhật có lúc đã dẫn đến hiện tượng cực đoan, bài xích và độc tôn thể hiện trong thế chiến thứ 2 khi quân đội Nhật chiếm đóng ở các nước, đặc biệt là các chính sách đồng hoá ở Mãn Châu Quốc hay Triều Tiên trước đây để thống trị theo kiểu Phát xít.
Đã 50 năm trôi qua, môi trường hòa bình ỗn định để phát triển đã đưa xã hội Nhật Bản lên hàng đầu thế giới, không bị tha hóa, những giá trị và tài sản văn hóa đã được tôn tạo không ngừng đánh dấu một thời kỳ phát triển rực rỡ. Bên cạnh đó nước Nhật ngày nay vẫn còn đứng trước ngưỡng của những thử thách mới, một vài dấu hiệu đáng lo ngại, làm cho mọi người điên đảo như vụ án đạo giáo Aum cuồng tín và thô bạo của đám thanh niên trí thức bất mãn, nạn trẻ em đua nhau “tự tử” hay bỏ học vì chán ngấy bạn bè, nhà trường hay nạn tiếp đãi ăn nhậu giữa quan chức với nhau (kankan settai) trong cơ chế quản lý hành chính là những câu hỏi chưa có giải đáp.


Bài viết ngẫu nhiên
Di sản thế giới tại Nhật Bản – Phần 1
Di sản thế giới tại Nhật Bản – Phần 1
Lễ phép và chừng mực là quan trọng ở Nhật Bản
Lễ phép và chừng mực là quan trọng ở Nhật Bản
Chùa Todaiji – Sự kết hợp giữa giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản
Chùa Todaiji – Sự kết hợp giữa giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản
Những sự thật gây sốc về Ninja
Những sự thật gây sốc về Ninja
Bộ ảnh cưới đậm chất Việt của cặp đôi người Nhật
Bộ ảnh cưới đậm chất Việt của cặp đôi người Nhật
12 cách giáo dục “siêu hay” của người Nhật (Phần 1)
12 cách giáo dục “siêu hay” của người Nhật (Phần 1)
Thiên đường hoa bốn mùa ở Nhật
Thiên đường hoa bốn mùa ở Nhật
Mì Udon – Món ăn truyền thống của Nhật Bản
Mì Udon – Món ăn truyền thống của Nhật Bản
Những câu Chào hỏi trong Tiếng Nhật
Những câu Chào hỏi trong Tiếng Nhật
Đa dạng các kiểu tắm ở Nhật
Đa dạng các kiểu tắm ở Nhật


Fanpage "tiếng nhật 24h"