Le Van Hoan
14/03/2014

Nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản

Nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản vẫn làm mê say lòng người với nhiều loại nhạc cụ độc đáo và phong cách âm nhạc nhẹ nhàngnđi vào lòng người.

Tuy kết quả khảo cổ và các tài liệu của Trung Quốc đều cho thấy chứng cứ về âm nhạc tại Nhật Bản từ thế kỷ 3 trước công nguyên, thông thường, người ta cho rằng lịch sử truyền thống của âm nhạc Nhật Bản bắt đầu từ thời Nara (710-794). Âm nhạc Nhật Bản có cội nguồn trong nhạc của Phật giáo và những truyền thống âm nhạc của đời Đường (618-907) bên Trung Quốc.

Phật giáo được coi là tôn giáo chính thức của cung đình vào thế kỷ 6, và những âm thanh cũng như lý thuyết âm nhạc của Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản. Các triều đình hocặc các đền chùa của Trung Quốc và Triều Tiên là cội nguồn và hình mẫu cho hầu hết các loại nhạc cung đình và đền chùa của Nhật, nhưng do sự tác động quốc tế mạnh mẽ của lục địa châu Á từ thế kỷ 7 cho đến thế kỷ 10, có thể thấy cả những ảnh hưởng của khu vực Nam và Đông Nam Á.

Dường như Nhật Bản ở “cuối con đường” trong quá trình truyền bá văn hóa này, vì nhiều truyền thống vẫn tồn tại ở Nhật Bản trong thời gian dài sau khi đã biến mất ở chính nơi chúng sinh ra. Các điệu vũ hoặc các bản nhạc dành cho nhạc khí của cung đình, gọi chung là gagaku, phản ánh những nguồn gốc đó khi được phân thành hai loại: togaku là âm nhạc có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ, còn komagaku là âm nhạc từ Triều Tiên và Mãn Châu.

Tuy những truyền thống âm nhạc cổ của Nhật Bản được lưu giữ đến ngày nay, mỗi thời kỳ đều tạo ra những phong cách âm nhạc cho phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu của thời kỳ đó. Trong quá trình chuyển từ nền văn hóa do triều đình chi phối sang nền văn hóa bị giới võ sĩ chi phối vào cuối thế kỷ 12, thêm nhiều thể loại âm nhạc sân khấu trở nên phổ biến. Chiếc đàn biwa của cung đình trở thành loại nhạc cụ thông dụng không chỉ của các nhà sư và đạo sĩ đi truyền đạo khắp nơi mà cả những người hát rong chuyên kể những câu chuyện lịch sử. Biểu diễn kịch không lời tại các chùa Phật giáo và đền Thần đạo dần dần kết hợp với di sản giàu có của sân khấu dân gian trong thế kỷ 14 để tạo ra một hình thức kịch nghệ mới gọi là kịch No. Âm nhạc của đàn koto 13 dây là một trong vài thể loại nhạc thính phòng cổ đại tiếp tục phát triển vào thế kỷ 16, chủ yếu trong dinh thự của gia đình quyền quý hoặc tại đền chùa. Sáo trúc shakuhachi cũng phổ biến mạnh trong thời kỳ này.

Nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản

Nhưng chiếc đàn shamisen 3 dây mới là đại diện tiêu biểu nhất cho các phong cách âm nhạc mới của giai đoạn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Vào thế kỷ 18, lối kể chuyện jorury do các nghệ sĩ hát rong tài năng biểu diễn cùng với đàn shamisen trở thành một nguồn sáng tạo văn học quan trọng. Kabuki đã sử dụng một số chất liệu trên trong các vở kịch của mình nhưng đồng thời cũng kết hợp các thể loại nhạc khác sử dụng đàn shamisen, cộng thêm bộ gõ, dàn sáo của kịch No cùng nhiều loại nhạc cụ dân gian.

Sự lớn mạnh một cách logic của một nền âm nhạc sân khấu được hỗ trợ cả về mặt kinh tế và xã hội vào thế kỷ 19 đã tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng có xu hướng chỉ để đệm cho các điệu múa hoặc các buổi biểu diễn riêng về âm nhạc. Thể loại nhạc sử dụng đàn shamisen gọi là Nagauta đặc biệt được sử dụng tích cực trong lĩnh vực này. Ban đầu những buổi biểu diễn âm nhạc như vậy chỉ bó hẹp trong các tư dinh nhưng vào cuối thế kỷ đã thường xuyên được biểu diễn tại các phòng hòa nhạc lớn.

Nói chung âm nhạc truyền thống của Nhật Bản cũng giống như âm nhạc của các nước Đông Á khác là thiên về lời ca. Trừ những bản biến tấu dành cho đàn koto, âm nhạc truyền thống Nhật Bản luôn có phần lời ca hoặc tựa đề gợi lên hình ảnh nào đó. Một đặc điểm quan trọng khác trong âm nhạc truyền thống Nhật Bản là không chú trọng lắm đến hợp âm như nhạc phương Tây mà thay vào đó, sử dụng rất thận trọng cái gọi là “các âm trụ” và chú ý đến nhịp điệu.

Âm thanh của nhạc truyền thống Nhật Bản có thể không mấy dễ nghe đối với những người mới nghe lần đầu. Nhưng nếu có dịp nghe nhiều lần, trong không khí lễ hội, trong các buổi diễn kịch truyền thống, hoặc vào những giây phút thanh bình nào đó trong cuộc sống nhộn nhịp hàng ngày, sẽ thấy nó mang lại cho ta một tâm trạng vô cùng sảng khoái, dễ chịu. Và giữa những chiếc đèn lồng, giữa những sắc màu của áo kimono và yukata, tiếng nhạc réo rắt như thể đang đưa ta ngược dòng lịch sử.


Bài viết ngẫu nhiên
Sempai – Kohai, Nét đẹp văn hóa Nhật Bản
Sempai – Kohai, Nét đẹp văn hóa Nhật Bản
Đặc sản vùng Hokkaido
Đặc sản vùng Hokkaido
Ông tổ trà Nhật Bản
Ông tổ trà Nhật Bản
Những điều người Nhật kiêng kỵ phần 1
Những điều người Nhật kiêng kỵ phần 1
Tắm chocolate đón Lễ Tình nhân
Tắm chocolate đón Lễ Tình nhân
Những món đồ lưu niệm độc đáo ở Nhật Bản
Những món đồ lưu niệm độc đáo ở Nhật Bản
Nhật Bản “lặng yên”
Nhật Bản “lặng yên”
Những món Omurice được trang trí vô cùng đáng yêu
Những món Omurice được trang trí vô cùng đáng yêu
Di sản thế giới tại Nhật Bản – Phần Cuối
Di sản thế giới tại Nhật Bản – Phần Cuối
“Hái ra tiền” với việc làm thêm khi du học Nhật
“Hái ra tiền” với việc làm thêm khi du học Nhật


Fanpage "tiếng nhật 24h"