Le Van Hoan
14/03/2014

Lược sử điện ảnh Nhật Bản

Nền điện ảnh Nhật Bản của những bộ phim bình dị, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, luôn cuốn hút người xem theo một cách rất riêng. Cùng nhìn lại cả quá trình phát triển của nền điện ảnh lâu đời này.

Điện ảnh Nhật Bản đã trải qua quá trình phát triển cả thế kỷ. Nhật Bản nhập những phim truyện đầu tiên vào năm 1896 và năm 1899 bắt đầu tự làm phim. Trước khi phim có tiếng nói ra đời, phim ở Nhật luôn đi cùng với benshi, tức là một người ngồi bên cạnh màn ảnh trực tiếp giải thích những hình ảnh trên phim. Vì các benshi đã phụ trách hoàn toàn phần đối thoại cũng như tạo nên sự liên kết về trình bày, các nhà làm phim đầu tiên của Nhật chủ yếu tái tạo lại những vở kịch sân khấu Nhật Bản, và nói chung không lưu tâm đến những kỹ thuật làm phim đang được phát triển ở phương Tây khi đó.

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, các nhà làm phim chịu ảnh hưởng của tư tưởng shingeki, có nghĩa là “tân kịch”, cũng như tình trạng tràn ngập phim nước ngoài, đã kêu gọi hiện đại hóa và hiện thực hóa. Họ tìm tòi lối diễn xuất tự nhiên và giao vai cho các diễn viên nữ, thay vì những người giả nữ onnagata theo truyền thống, họ nêu những chủ đề vượt quá phạm vi hạn hẹp của kịch kabuki và shimpa tức là kiểu phim có cốt truyện hiện đại nhưng sử dụng lối biểu diễn sân khấu, đồng thời sử dụng những kỹ thuật biểu đạt thường thấy trong phim nước ngoài.

Lược sử điện ảnh Nhật Bản

Đầu những năm 20 nổi lên thể loại jidaigeki, tạm gọi là “phim võ sĩ”, nói đến các giai đoạn phong kiến trước thời Minh Trị tức là trước năm 1868, và người đi tiên phong là ông Makino Shozo. Phim võ sĩ phát triển hơn 60 năm, thông qua mối quan hệ tượng trưng giữa văn học, nhà hát và các tác phẩm điện ảnh tập trung vào những anh hùng đơn độc giỏi kiếm pháp. Một thể loại khác của điện ảnh Nhật sau những năm 20 là gendaigeki, hay “phim hiện đại”, là những câu chuyện lấy bối cảnh hiện đại. Tuy nhiên, trước năm 1926, phim hiện đại không được ưa chuộng bằng phim võ sĩ, trừ một số phim phiêu lưu mạo hiểm phỏng theo phim nhiều tập của nước ngoài và những câu chuyện tình xúc động dựa trên các ca khúc được hâm mộ.

“Madamu to nyobo” (Vợ người láng giềng và vợ tôi) của Gosho Heinosuke vào năm 1931 là bộ phim có tiếng nói đầu tiên của Nhật Bản thành công về mặt kỹ thuật, đồng thời được giới phê bình khen ngợi và mọi người ưa chuộng. Song phải đến những năm 34-35, phim có tiếng nói mới chiếm hơn một nửa tổng số phim truyện sản xuất ở Nhật Bản.

Mặc dù số lượng phim truyện đã tăng lên mức trung bình ổn định là 650 phim mỗi năm vào giữa thập niên 20, số phim trung bình mỗi năm trong suốt những năm 30 chỉ còn là 550 phim. Do những hạn chế thời chiến, con số này đột ngột giảm xuống 232 phim vào năm 1941 và tới mức còn có 26 phim vào năm 1945.

Năm 1925, vấn đề kiểm duyệt phim được tập trung lại dưới quyền kiểm soát của Cục cảnh sát quốc gia, thuộc Bộ nội vụ, và dần dần được thắt chặt trong thập kỷ 30. Năm 1939, Bộ nội vụ ra lệnh cho các nhà làm phim phải theo các chủ đề quan trọng mang tính chất “chính sách quốc gia”, nhấn mạnh cuộc sống gia đình yêu nước và sự hy sinh vì tổ quốc. Tuy nhiên, chỉ 1/5 số phim trong thời chiến tuân theo chỉ đạo của chính phủ và chưa đầy 2% trong toàn bộ số phim sản xuất từ năm 1937, khi bắt đầu cuộc chiến tranh tại Trung Quốc, cho tới lúc Nhật đầu hàng vào năm 1945, là nói về quân đội.

Lực lượng chiếm đóng Mỹ bãi bỏ hoạt động kiểm duyệt của Bộ nội vụ và lập văn phòng riêng để kiểm soát nội dung phim. Năm 1949, lực lượng chiếm đóng nới lỏng các biện pháp kiểm soát khi ngành điện ảnh tự lập một cơ quan tự quản lý, lấy hình mẫu là cơ quan của Hollywood. Phim ảnh Nhật Bản không chịu kiểm duyệt chính thức nữa và chỉ trong vòng 1 năm, các phim đấu kiếm xuất hiện trở lại.

Hai đạo diễn hàng đầu trong thời kỳ sau Thế chiến 2 là Kurosawa Akira và Kinoshita Keisuke. Cùng với các đạo diễn thế hệ đó là Imai Tadashi và Yoshimura Kozaburo, họ làm mưa làm gió thời kỳ 1947-1950 với những bộ phim về cuộc sống sau chiến tranh.

Thập kỷ 50 không chỉ là thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử ngành điện ảnh Nhật Bản mà còn được nhiều người coi là thời kỳ vàng son của sự sáng tạo. 5 lần trong thập niên này, các nhà phê bình đã bầu bộ phim của ông Imai là phim hay nhất trong năm, bắt đầu từ bộ phim vào năm 50 có tựa đề “Mata au hi made”, (Cho đến ngày ta gặp lại nhau). Và khi bộ phim “Rashomon”, hay Lã Sinh Môn, của đạo diễn Kurosawa đoạt giải nhất tại Liên hoan Phim Venice năm 51, nó đã đưa điện ảnh Nhật Bản đến với quốc tế.

Một đối thủ của Kurosawa trên phim trường quốc tế là Mizoguchi Kenji đã từ bỏ những câu chuyện tình sau chiến tranh của ông để tái tạo lại những kiệt tác như “Saikaku ichidai onna” (Cuộc đời một thiếu phụ của Saikaku), năm 1952, và “Ugetsu monogatari”, năm 1953. Trong khi đó, bắt đầu với “Banshu” vào năm 49, đạo diễn Ozu Yasujiro và nhà viết kịch bản Noda Kogo tập trung vào sự phức tạp tình cảm của cuộc sống gia đình trung lưu, còn Naruse Mikio và Gosho tiếp tục với đề tài trước chiến tranh.

Bộ phim “Karumen kokyo ni kaeru” (Carmen về nhà) của Kinoshita vào năm 1951 là bộ phim màu đầu tiên của Nhật Bản, khởi xướng một thập kỷ cải tiến về kỹ thuật. 3 năm sau, phim “Jigokumon” (Cổng địa ngục) của Kinugasa Teinosuke được giới phê bình quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh về cách sử dụng màu hết sức sáng tạo. Phim màn ảnh rộng xuất hiện vào năm 1957 nhưng phải mất hơn 7 năm nữa, các kích thước mới về khung hình mới trở thành tiêu chuẩn ở Nhật Bản.

Số lượt khán giả đi xem phim rạp đạt mức kỷ lục mọi thời đại 1 tỉ 1 triệu 270.000 vào năm 1958, trong khi số rạp chiếu phim lên tới mức cao nhất là 7.457 vào năm 1960, gấp 8,8 lần khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1958, 5 năm sau khi truyền hình bắt đầu, có 1,6 triệu máy thu hình trên toàn Nhật Bản. Vào năm 1969, con số máy tăng lên gần 22 triệu, gần tương đương với số hộ gia đình. Số người đi xem phim rạp giảm xuống còn 300 triệu vào năm 1968, và một nửa số rạp đóng cửa trong thập niên 60.

Đầu những năm 60 xuất hiện phong trào “Làn sóng mới” của các đạo diễn trẻ, đứng đầu là ông Oshima Nagisa, công kích kiểu thương mại hóa phim ảnh của Nhật Bản và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự do biểu cảm và tính tự phát. Phim của ông nói tới những vấn đề khó khăn tâm lý và những bất công xã hội ở nưóc Nhật hiện đại, chẳng hạn như tình thế tiến thoái lưỡng nan của thanh niên không lý tưởng hay nỗi khổ của những người bị áp bức. Các tác phẩm của Oshima như “Koshikei” (Treo cổ) và “Shinjuku dorobo nikki” (Nhật ký tên trộm Shinjuku) đã khẳng định ông là một tài năng mới của thập kỷ 60.

Một đạo diễn nổi danh khác của thời kỳ này là Imamura Shohei. Hai bộ phim “Nippon Konchuki” (Nhật Bản côn trùng ký) năm 1963 và “Akai satsui” (Ý định xấu xa) năm 64 đại diện cho phong cách hiện thực của Imamura, mô tả cuộc sống của những phụ nữ hạ lưu kém giáo dục, bị buộc phải dựa vào bản năng tình dục để tồn tại.

Trong thể loại phim võ sĩ jidaigeki, đôi khi các đạo diễn lớn quay sang với sân khấu kinh điển. Ông Kurosawa lấy những yếu tố của kịch No đưa vào phim “Kumonosujo”, (Thành trì đẫm máu) trong khi các đạo diễn Uchida Tomu và Shinoda Masahiro dùng các vở kịch từ thế kỷ 17, 18 hoặc mượn các yếu tố của kịch kabuki và bunraku. Năm 1963, hãng phim Toei tạo ra một hướng mới cho phim đấu kiếm bạo lực, gọi là thể loại yakuza. Những cốt truyện của các phim này chỉ là biến tấu về mặt hình thức của các vở kịch võ thuật đấu kiếm, mô tả một tên găngxtơ lương thiện trong cảnh tham nhũng tràn lan ở nước Nhật trước chiến tranh. Tuy nhiên, sự hâm mộ đối với các phim yakuza của Toei nhanh chóng hất đổ vị trí đứng đầu của jidaigeki về các phim đấu kiếm.

Đạo diễn lừng danh nhất trong thập niên 70 là Yamada Yoji của hãng phim Shochiku. Tuy những tác phẩm chính của ông là những phim đoạt giải thưởng nói về cuộc sống gia đình của tầng lớp hạ lưu, thành công to lớn của Yamada là loạt phim “Tora san” (Ông Tora). Bắt đầu từ năm 1969 và tiếp tục kéo dài trong hơn 2 thập kỷ, ông Yamada đã viết kịch bản và đạo diễn hơn 40 phim trong loạt phim này, tạo ra 2 môtíp nền tảng của phim Nhật Bản là: cuộc sống tập thể hàng ngày của một gia đình và những chuyến phiêu lưu của một lữ khách cô đơn. Năm 1978, ông Oshima Nagisa đoạt giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes cho phim “Ai no borei” (Hồn ma tình ái)

Trong thập kỷ 80, phim hài chiếm ưu thế trong sản xuất phim ở Nhật Bản. Ngoại lệ là những bộ phim nghiêm túc của Oguri Kohei, người đã đoạt giải của ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes 1990 cho bộ phim “Shi no toge” (Gai của tử thần). Vào năm 1990, tổng số lượt khán giả đi xem phim rạp giảm xuống còn 143 triệu trong một thị trường bị các phim của Mỹ áp đảo.

Từ cuối những năm 60, hầu hết các đạo diễn nổi tiếng và những đạo diễn trẻ nhiều hứa hẹn không thể phụ thuộc vào các trường quay. Họ hoạt động độc lập và tự tìm vốn quay phim. Sau năm 1985, tình cảnh trái khoáy là các công ty giàu có của Nhật Bản đổ tiền vào các chương trình của Broadway và phim của Hollywood, nhưng không hề quan tâm đến phim ảnh trong nước. Năm 1989, khi công ty Sony mua hãng phim Columbia để đầu tư vào ngành làm phim Mỹ, các đạo diễn Nhật như Oshima, Kurosawa, Shinoda và Itami Juzo lại phải tìm nguồn vốn sản xuất phim ở nước ngoài. Khó có thể hình dung một thời kỳ sôi động của điện ảnh Nhật Bản nếu nhìn vào các con số trong ngành những năm gần đây, chẳng hạn 259 phim trong năm 95, rồi năm 96 sụt xuống 251 phim. Năm 1996, số rạp chiếu phim tăng lên 1.828 rạp nhưng còn thua xa con số 7.457 rạp vào năm 1960, trong khi số lượt khán giả đi xem phim rạp là gần 120 triệu, giảm 5,9% so với năm trước đó.

Trong dấu hiệu thay đổi đầu tiên, năm 1997 số phim sản xuất theo công bố chính thức là 269 phim, số lượt khán giả tại các rạp chiếu phim tăng 25%, và số rạp chiếu phim, vốn giảm lâu nay, cũng tăng lên nhờ sự ưa chuộng đối với các khu chiếu bóng lớn gồm nhiều rạp – một thực tế cho thấy mọi người sẵn sàng làm ngơ với máy thu hình nếu có nhiều phim hay và rạp tốt.

Năm 1997 cũng là năm đáng ghi nhớ đối với điện ảnh Nhật Bản. Bộ phim “Unagi” (Con lươn) của đạo diễn Imamura Shohei và “Hana-bi” (Pháo hoa) của Kitano Takeshi đoạt giải thưởng lớn lại 2 trong số 3 liên hoan phim hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Ichikawa Jyun đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Montreal cho phim “Tokyo Yakyoku” (Dạ khúc Tokyo), và nữ đạo diễn 27 tuổi Kawase Naomi trở thành người đầu tiên trong số các đạo diễn thuộc thế hệ trẻ trở nên nổi tiếng trên thế giới sau khi được trao giải Camera vàng tại Cannes cho đạo diễn trẻ xuất sắc nhất với phim “Moe no Suzaku”.

Tránh sự sáo mòn, tránh bắt chước phim ngoại và tạo ra một “ngữ pháp” mới trong điện ảnh – đó là những điều kiện để phim Nhật Bản vươn mình đứng dậy và tìm lại thời kỳ hoàng kim. Đòi hỏi cấp thiết của ngành điện ảnh Nhật Bản, bên cạnh sự ủng hộ của những người hâm mộ và các nhà đầu tư – hai yếu tố quan trọng trong xã hội tiêu thụ hiện đại, là cần phải có một lực lượng các đạo diễn dám thử những sáng tạo của mình, bất kể họ là đạo diễn chuyên nghiệp hay không chuyên./.


Bài viết ngẫu nhiên
Đặc sản cua tuyết nổi tiếng Nhật Bản
Đặc sản cua tuyết nổi tiếng Nhật Bản
9 bài học từ văn hóa công sở của người Nhật
9 bài học từ văn hóa công sở của người Nhật
Top 10 bộ phim anime hay nhất
Top 10 bộ phim anime hay nhất
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa tháng 5 tại Nhật Bản
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa tháng 5 tại Nhật Bản
Lễ hội Jidai (Jidai matsuri) Nhật Bản
Lễ hội Jidai (Jidai matsuri) Nhật Bản
Trải Nghiệm 8 Nét Thú Vị Trong Văn Hóa Nhật Bản
Trải Nghiệm 8 Nét Thú Vị Trong Văn Hóa Nhật Bản
Những điều người Nhật kiêng kỵ phần 2
Những điều người Nhật kiêng kỵ phần 2
Ông tổ trà Nhật Bản
Ông tổ trà Nhật Bản
4 sự thật gây “choáng” về nước Nhật
4 sự thật gây “choáng” về nước Nhật
Để trở thành võ sĩ Sumo
Để trở thành võ sĩ Sumo


Fanpage "tiếng nhật 24h"