Kokomi
27/02/2014

Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản

Nhật Bản cũng là một nước Á Đông. Do đó, giống như Việt Nam và nhiều nước khác, người Nhật cũng có rất nhiều điều kiêng kỵ khá thú vị. Những điều kiêng kỵ không đơn thuần chỉ là mê tín dị đoan mà nó được hình thành và phát triển qua lịch sử văn hóa xã hội lâu dài của đất nước mặt trời mọc nên mỗi điều kiêng kỵ đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Hiểu về phong tục và những điều người Nhật kiêng kỵ không chỉ giúp cho ta hiểu được lối sống và cách suy nghĩ của người Nhật mà còn tránh được sự thất lễ trong giao tiếp và sinh hoạt với họ. Và với những thực tập sinh tại Nhật Bản nên tìm hiểu về văn hóa nhật để có thể lao động tốt hơn. Vậy những điều phổ biến mà người Nhật kiêng kỵ là gì, và ý nghĩa, nguồn gốc của chúng ra sao, xin được trình bày trong loạt bài viết “những điều người Nhật kiêng kỵ” được chia làm nhiều phần dưới đây
Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản

1. Không được cắt móng tay vào ban đêm

Tại Nhật Bản, có điều cấm kỵ cho rằng “Cắt móng tay ban đêm thì không tốt”. Người ta cho rằng nếu cắt móng tay vào ban đêm thì sẽ không thể gặp được cha mẹ khi mất hoặc sẽ chết sớm. Cũng có lý do cho rằng không nên làm vậy vì cắt móng tay lúc trời tối rất dễ bị thương. Có nhiều giả thuyết không rõ ràng đưa ra như là “Cắt móng tay buổi tối” => “Cuộc đời ngắn lại” (夜爪=>世詰め)
Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản

Cũng có giả thuyết cho rằng người ta kỵ việc cắt móng tay buổi tối vì trước đây lửa được sử dụng để thắp sáng buổi tối trong các nhà dân, khi cắt móng tay bên cạnh lò sưởi thì những mẩu móng tay vụn này bay vào trong đống lửa rồi bị cháy, gây ra một mùi khó chịu làm cho người ta liên tưởng tới việc hỏa thiêu người chết.
Ngoài ra theo những ma thuật được du nhập từ lục địa Châu Á khoảng từ thời Nara cho tới thời Heian thì có những lời nguyền mà người ta lấy tóc và móng tay tượng trưng cho người bị nguyền rủa đem nhét vào búp bê bằng rơm sử dụng làm bù nhìn rồi vừa nguyền vừa niệm thần chú, sau đó vứt vào trong lửa. Vì vậy không được cắt móng tay vào buổi tối để tránh bị người muốn hãm hại mình lấy đi, phải đem tiêu hủy hoặc chôn xuống đất.
Thời xưa vì không có dụng cụ cắt móng tay nên vật dụng để cắt móng tay được sử dụng là các loại dao, kéo, các vật dụng có cạnh sắc, nhọn. Trong điều kiện thiếu sáng (Ánh sáng của lửa không đủ sáng để thực hiện những thao tác tỉ mỉ tới như vậy) người ta nghĩ rằng có thể chệch tay làm bị thương, trường hợp xấu nhất có thể gây chết người. Chết trước cha mẹ mình (cũng giống như là khi cha mẹ chết không được nhìn thấy mặt). Điều ấy có nghĩa là người không thận trọng sẽ chết sớm trước cha mẹ.
Ở Nhật, việc “không được cắt móng tay” cũng được ví von với ý nghĩa là “không được nghịch ngợm buổi tối”.
Thực tế không thể nói rằng người Nhật hiện nay hoàn toàn không cắt móng tay buổi tối. Cho dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, nhờ có điện con người có thể làm tất cả các công việc vào buổi tối như ban ngày song vẫn còn rất nhiều người Nhật tin và làm theo điều mê tín này

2. Không được huýt sáo buổi tối

Trẻ con Nhật thường hay bị người lớn dọa rằng “Không được huýt sáo vào buổi tối. Vì nếu thổi sáo thì … sẽ tới”Nếu huýt sáo vào buổi tối thì cái gì sẽ tới đây? Điều này có sự khác nhau tùy thuộc vào từng gia đình và từng khu vực.
Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản

+ Ma, quỷ, hồn ma người chết, yêu quái sẽ tới.
+ Rắn sẽ đến.
+ Trộm sẽ đến.
+ Người bắt cóc (mẹ mìn) sẽ tới.
+ Quỷ xuất hiện
+ Sâu liếm vào miệng (sâu chui vào miệng)
+ Cha mẹ chết sớm
+ Gió thổi, biển bị bão.
Dù như thế nào đi chăng nữa thì cũng là những việc không hay xảy ra.
Liên quan tới việc tại sao những chuyện như vậy xảy ra có rất nhiều cách lý giải. Ví dụ như cũng có những giả thuyết “Huýt sáo vào ban đêm gây ồn, gây ảnh hưởng tới hàng xóm”; “Kẻ trộm sẽ đến vì ngày xưa những kẻ trộm dùng tiếng huýt sáo để ra tín hiệu cho nhau”; “Rắn sẽ đến vì người điều khiển rắn ở Ấn Độ sử dụng sáo để điều khiển rắn”; “Mẹ mìn sẽ tới vì ở các làng quê ngày xưa buổi tối người ta huýt sáo gọi người mua trẻ con đến”… Những điểm mấu chốt được lý giải ở trên như là “vì ồn ào”, “kẻ trộm và sáo”, “người mua trẻ con và sáo”, “rắn và sáo” có lẽ không thể giải thích được nguồn gốc của việc mê tín này.
Có một câu chuyện thú vị liên quan đến điều kiêng kỵ này. Ở Nhật cũng có sự mê tín rằng nếu huýt sáo thì sẽ có gió. Tại Hokkaido nghe nói rằng “Nếu ban đêm huýt sáo thì gió sẽ nổi lên và ngoài khơi có bão”. Còn ở Okinawa nghe nói khi mong có gió nếu người ta hướng về các ngọn núi mà thổi sáo thì sẽ có gió mát tới, điều này gợi cảm giác như gọi thần gió tới vậy. Ngoài ra tại đảo Honshu hình như đã có nơi khi sàng thóc để tạo gió người phụ nữ vừa huýt sáo vừa sàng sẩy, vì vậy xuất hiện quan niệm rằng khi phụ nữ huýt sáo thì gió sẽ tới mạnh hơn.
Tại sao khi huýt sáo thì sẽ có gió thổi tới? Vì khi huýt sáo sẽ tạo ra một luồng gió nhỏ? Hay phải chăng là vì âm thanh tạo ra khi huýt sáo “viu viu..” tạo liên tưởng giống với tiếng gió?
Ở Âu Mỹ nghe nói cũng có điều mê tín cho rằng khi huýt sáo thì ma quỷ sẽ tới. Dù thế nào thì hình như việc huýt sáo cũng được cho rằng sẽ mang tới điều không may. Có lẽ bởi vì nó đã là hành vi gọi ma quỷ, thần linh tới.

3. Điều kiêng kỵ về số 4

Chữ số bốn trong mê tín của một số nước theo văn hóa chữ Hán trong đó có Nhật Bản do đồng âm với chữ “Tử” (nghĩa là chết) nên người ta thường kiêng số 4. Vì lý do này nên có sự mê tín coi chữ số 4 như một nỗi bất hạnh hoặc điềm gở.
Tại Nhật Bản, ngay từ thời Heian đã có việc kiêng số 4. Trong cuốn “Tiểu hữu kí” ra đời vào năm Thiên Nguyên thứ 5 (năm 982) có ghi chép việc kiêng kị nếu như có 4 người thì sẽ làm tròn thành 5. Đây là ví dụ về việc tránh số 4 nhưng phần nhiều là do kiêng âm “Shi”. Người ta tránh sử dụng âm “Shi” mà thay vào đó dùng âm “Yon”. Ví dụ như “bốn người” thì sẽ dùng là “Yo nin” hay “Yottari” chứ không phải là “Shinin”. Thời đó vẫn sử dụng âm “Shi” mà chưa sử dụng rộng rãi âm “Yon”. Tuy nhiên đó chỉ là ở Tokyo. Tại Osaka nghe nói từ thời Edo âm “Yon” đã được sử dụng thay thế.
Hiện nay ở Nhật trong số phòng của chung cư hoặc các khách sạn thì các căn phòng có số 4 đã dần dần không còn nữa, ví dụ như bên cạnh phòng số 203 là phòng số 205 hay tiếp tầng số 3 là tầng số 5. Tại bệnh viên nơi người ta không hề thích việc liên tưởng tới cái chết nên sự kiêng kỵ này càng mạnh mẽ. Việc chỉ định biển số xe, nếu là những biển số dưới hai chữ số 42 và 49, nếu không yêu cầu thì không phải trả tiền. Người ta tránh những số này bởi nó khiến liên tưởng tới 死に(Shini – tử, chết) hay 死苦(Shiku – cái chết đau đớn) hoặc 轢く( Hiku – nghiến, chèn ngã).
Trong số phòng hay số tầng của bệnh viện ngoài số 4 người ta cũng tránh số 9 – 九(với phát âm giống chữ “Khổ” – 苦). Tuy nhiên九 và苦 là đồng âm chỉ có trong tiếng Nhật nên cũng chỉ là phong tục của riêng Nhật Bản.

4. Nếu gặp xe tang thì phải giấu ngón tay cái

Người Nhật khi đi trên đường nếu tình cờ gặp xe tang, thường hay hét lên “Giấu ngón tay cái nhanh lên!” để báo cho mọi người cùng biết. Được biết sự lý giải cho hành động đó là vì không giấu ngón tay cái thì “khi cha mẹ chết thì không thể gặp”. Ngoài ra cũng có người cho rằng “ cha mẹ chết sớm”, “không có cha mẹ”, “điềm báo xấu” …
Theo lý giải của người Nhật, ngón tay cái là lối vào của linh hồn. Ngón tay cái là ngón tay dễ chịu ảnh hưởng từ một năng lực thần bí không thể thấy bằng mắt thường. Có nghĩa là nếu gặp phải xe tang là tượng trưng của cái chết, giấu nắm chặt ngón tay cái thì linh khí có trong cơ thể, từ ngón tay cái này sẽ không bị thoát ra ngoài. Tương tự như vậy, nếu gặp xe tang, nắm giữ thật chặt ngón tay cái, sẽ không bị nhiễm linh khí xấu.

5. Điều kiêng kỵ trong sử dụng đũa là gì?

■ Không được dùng đũa gõ vào bát

Trẻ em Nhật trong bữa cơm nếu chơi đùa nghịch ngợm dùng đũa gõ vào bát, sẽ ngay lập tức bị người lớn nhắc nhở đó là hành vi xấu. Đó một điều kiêng kỵ khi sử dụng đũa, gọi là “Gõ đũa”. Một loại “kiêng kỵ về đũa”. Từ xưa đũa đã tồn tại một uy lực thần bí, được coi là một dụng cụ linh thiêng. Do vậy đối với việc sử dụng đũa, có rất nhiều điều cấm kỵ.
Đối với người Nhật, gõ đũa không chỉ là hành vi xấu, bởi âm thanh khi gõ tập trung gọi tà khí và ma quỷ nên cũng bị coi là một điềm xấu. Bạn đã nghe câu nói “Nếu gõ đũa, ma đói sẽ đến” bao giờ chưa. Gõ đũa có vẻ cũng giống như hành vi mời gọi ma quỷ tới.
Ở quán rượu, để thay thế cho nhạc cụ, người ta thường hay hát với âm điệu gõ bát. Ở quán ăn, bạn có bao giờ gọi bồi bàn bằng cách dùng đũa gõ vào bàn và bát không? Đó là hành động rất xấu. Nếu bị ma quỷ bám theo thì sẽ rất khủng khiếp. Hãy bỏ đi nhé!

■ Không được dùng đũa chuyền thức ăn cho nhau

Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản
Dùng đũa để trao thức ăn cho người bên cạnh “Nối đũa”. Đây cũng là một loại “kiêng kỵ về đũa”, được coi là một điều cấm kỵ trong sử dụng đũa. Tại nơi hoả táng, khi gắp hài cốt của người quá cố, gọi là thu thập tro cốt người chết, hai người sẽ đồng thời dùng đũa chuyền nhau cho vào bình đựng di cốt, bởi dùng đũa để gắp cho vào nên thực hiện việc đó tại bữa ăn là điềm xấu. Hành động tạo ra hình ảnh về người đã khuất là điều cấm kỵ.
※ Ý nghĩa của việc dùng đũa để tiến hành nghi thức thu thập tro cốt người chết là gì?
Việc gắp tro cốt của người quá cố, chạm trực tiếp vào người chết, sự ô uế sẽ do một người gánh chịu. Nếu hai người đồng thời dùng đũa để trao tro cốt cho người khác, sự ô uế này cũng sẽ giảm đi một nửa.

■ Không được cắm đũa lên bát cơm

Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản
Điều cấm kỵ trong sử dụng đũa với ý nghĩa giống như thế còn có “Dựng đứng đũa”. Không được cắm đũa lên bát cơm.. Người Nhật không bao giờ cắm đũa lên thức ăn và đặt biệt là lên bát cơm vì chỉ trong đám tang người ta mới cắm đũa lên bát cơm và đặt lên bàn thờ. Điều này cũng liên quan đến cơm cúng đặt ở bên cạnh gối người đã khuất. Hành động tạo ra hình ảnh về người đã khuất là điều cấm kỵ.

6. Không nên đi giày mới vào buổi tối

Ngày nay đối với những đồ mặc trên người, con người thường không chú trọng đến các yếu tố tâm linh hay may mắn. Khi có quần áo mới hay giày mới, thông thường mọi người thường thích sử dụng ngay. Tuy nhiên, khi mặc quần áo mới hay đi giày mới, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng, bởi trạng thái tự nhiên của cơ thể là không có gì, do đó quần áo và các vật dụng đi kèm không phải là một bộ phận vốn có của thân thể. Khi mặc quần áo mới hay đi giày mới, tự mình sẽ ko hiểu vì sao mà luôn cảm thấy bất an.
Quần áo đóng vai trò giữ ấm và bao bọc cơ thể. Mặt khác, nó còn có chức năng thể hiện thời trang và phong cách, vừa là một vật có ý nghĩ thực dụng, vừa mang cả yếu tố tâm linh may mắn. Người Nhật luôn có suy nghĩ cho rằng quần áo và vật dụng đi kèm có sự may mắn nhất định, có thể chi phối được mình, chẳng hạn như “đeo cái đồng hồ này, cảm thấy phấn chấn hẳn lên” hoặc ngược lại “đội cái mũ này vào cảm thấy không may mắn”.. Ngược lại, nguyên nhân vận đen của bản thân cũng dễ bị gán cho vật dụng nào đó đi kèm cơ thể.
Ở Nhật có điều kiêng kỵ cho rằng đi giày mới vào buổi tối sẽ gặp điềm xấu. Những loài yêu quái, ma quỷ hoạt động vào ban đêm đại diện cho các thế lực bóng tối nên người ta đã cảnh báo rằng diện đồ mới đi trong bóng tối sẽ là một nơi lý tưởng cho yêu quái xâm nhập vào, điều đó rất nguy hiểm. Nên ở Nhật có lời khuyên rằng buổi tối nên ở nhà thì tốt hơn.
Mặt khác, việc không quen mang giày mới sẽ dễ ngã và có thể bị thương, vì vậy vào buổi tối không nên đi giày mới. Người Nhật cho rằng “khi đi giày mới thì nên cọ giày mới vào đế của giày cũ” hoặc lấy bút sơn dầu quệt lên đế giày, như thế giày sẽ bớt mới đi, đó cũng là một cách cầu may từ đôi giày cũ.

7. Những điểm cần lưu ý khi đi thăm người ốm ở Nhật Bản 

Về quà thăm người ốm 

Tặng quà hợp với sở thích của người nhận là điều tốt nhất, nhưng đối với người ốm thì có thể có những đồ không ăn được, không dùng được. Đặc biệt là có những trường hợp người ốm không ăn được một số loại hoa quả, bánh kẹo, nếu có thể thì nên hỏi người nhà của bệnh nhân trước rồi hãy chọn quà thăm hỏi. Ngoài ra, tránh mang theo những vật dễ gây thương tích hoặc những đồ khó ăn. Trường hợp mang đồ uống như nước khoáng hoặc trà cũng rất tiện lợi.

Những điều nên chú ý khi tặng hoa

Tránh mang những loại hoa có mùi mạnh (ví dụ như hoa Ly), nên tặng hoa có màu sắc dịu nhẹ. Hoa màu đỏ cũng đẹp mắt nhưng có thể khiến cho người ta liên tưởng đến màu máu. Vì vậy cũng nên tránh tặng hoa màu đỏ.
Hoa trồng trong chậu thì từ xưa người Nhật đã kiêng không mang đi thăm người ốm, vì hoa “bén rễ” ( 根付く- Nezuku) cũng đồng âm với từ “ngủ mãi” (寝付く- Nezuku). Cây hoa anh thảo có liên quan đến “Tử” hoặc “Khổ”, hoa cúc thì lại khiến người ta liên tưởng đến đám tang, hoa trà là loài hoa “rụng cả cuống”, cẩm tú cầu thì phai màu, nhợt nhạt…tất cả những loài hoa đó đều không thích hợp để đi thăm người ốm.
Trường hợp mang bình hoa đi tặng cũng được, nhưng hiện nay người Nhật hay tặng hoa bó sẵn. Nếu người ốm thích hoa trồng trong chậu thì cũng có thể tặng được. Cũng có trường hợp nhiều bệnh viện cấm kỵ tặng hoa tươi, nên tốt nhất là hãy hỏi kỹ trước khi mang hoa đến.

Về tiền thăm người ốm

Thực sự thì tặng tiền mặt có thể người ốm hài lòng nhất, vì ở Nhật Bản, đã nhập viện thì phải tốn rất nhiều tiền. Trong trường hợp này, người ta lấy việc đó làm lý do tặng tiền mặt. Thông thường đối với đồng nghiệp thân thiết hay bạn bè, cấp dưới…là những người có suy nghĩ và tính cách giống mình thì tặng tiền cũng được.
Tuy nhiên đối với bề trên thì lại khác. Việc tặng tiền mặt cho cấp trên là điều cấm kỵ. Vậy chẳng phải cứ nhất định là không thể tặng tiền mặt được hay sao? Không phải là như vậy. Hoàn toàn có thể thay đổi hình thức đi một chút. Thay vì tiền mặt, có thể tặng phiếu mua hàng hoặc thẻ quà tặng. Khi tặng thì nên nói kèm theo câu nói “tôi không biết mua gì hợp sở thích của (ngài) cho nên…” để tránh thất lễ.
Số tiền thăm người ốm có thể từ 3000 đến 10000 Yên. Nên tránh số 4 (Tử) và số 9 (Khổ).Với bạn bè thì số tiền đó ở vào khoảng 5000 Yên, với họ hàng khoảng 5000 đến 10000 Yên, với đồng nghiệp trong cơ quan, số tiền hợp lý vào khoảng 3000 Yên.

Quà mừng thọ 60 tuổi – những đồ nên và không nên tặng.

Quà mừng thọ, so với các món quà khác, có lẽ là một món quà mang ít tính chất thân thiết hơn cả. “Khi nào thì tặng quà mừng thọ?” “Quà mừng thọ thì tặng gì là tốt nhất?” Bài viết dưới đây sẽ bàn luận chi tiết về vấn đề này. Những món đồ không nên tặng, cách thức tặng quà v.v…và cả những điều tối thiểu nhất nên biết khi tặng quà mừng thọ.

Những món quà không nên tặng:

Những điều kiêng kỵ tại Nhật Bản
Có một số món đồ không thể mang đi làm quà mừng thọ được. Nếu như mình lao tâm khổ tứ chọn một món quà thật ưng ý để tặng, mà lại thành ra chọc giận đối phương vì “Quá thất lễ” thì đúng là chẳng ra gì.
Nói là “Quà mừng thọ” nhưng thực ra người nhận quà chưa phải là người già. Nếu tặng kính lão hay máy trợ thính thì sẽ khiến người nhận nghĩ rằng mình đã bị coi là người già. Vì vậy nên tránh tặng 2 thứ đó.
Việc tặng giày dép hay sandal sẽ khiến cho người nhận nghĩ rằng: giày dép là vật để người ta dẫm lên, vì thế, nếu được tặng giày hay dép, người nhận sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí là ghét. Đối với những người khó tính như thế thì nên tránh tặng giày dép.
Tặng trà với ý nghĩ “Có lẽ người nhận sẽ thích” – hãy coi chừng! Sự thật thì trà là đồ tạ lễ, dùng để tạ ơn người khác đã đến thắp hương trong đám tang. Vì vậy, không nên dùng trà để làm quà mừng thọ. Đối với người thân trong nhà thì có thể không sao, nhưng tốt nhất là nên tránh.
Dù có là món quà tuyệt vời đến đâu thì cũng không nên tặng những món quà mà bản thân mình thích hoặc nó được lưu hành rộng rãi trên thị trường. Vì người tặng quà và người nhận quà ở hai thế hệ khác nhau, nên hãy tặng quà phù hợp với ý thích của người nhận.
Làm cho người nhận ngạc nhiên cũng là điều hay, nhưng nếu người nhận không thích món quà đó thì quả là một sự thất bại. Thực sự thì người nhận có thích món quà đó hay không, điều đó đã được thể hiện ra mắt của họ, vấn đề là người tặng cần chú ý quan sát.

Những món quà nên tặng:

Bất kể là nam giới hay nữ giới, nếu như tặng món quà có vẻ trẻ hơn so với tuổi của họ thì sẽ khiến cho họ thấy vui hơn.
Những đồ dùng hàng ngày, nếu là đồ dắt tiền mà hiếm khi tự mình mua, ví dụ như bộ đũa ăn cao cấp, hoặc đồ gia dụng mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu đem tặng sẽ khiến cho người nhận rất vui. Bát hay đũa được dùng trong hoàng gia cũng là những món quà mừng thọ rất phù hợp.
Điều cần chú ý là đây lần đầu tiên làm lễ lên lão (60 tuổi) nên khá khó khăn. Không thể theo đuổi những thú vui, sở thích vốn có như lúc còn trẻ. Nhưng tất nhiên nếu được nói rằng “hãy thử một chút, sẽ rất thú vị” thì họ sẽ cảm thấy rất vui. Khi chọn quà, hãy nghĩ đến người nhận quà để có thể chọn được món quà phù hợp nhất.

Bài viết ngẫu nhiên
Văn hóa Uống của người Nhật
Văn hóa Uống của người Nhật
Thời trang Lolita ở Nhật Bản
Thời trang Lolita ở Nhật Bản
4 sự thật gây “choáng” về nước Nhật
4 sự thật gây “choáng” về nước Nhật
“Sốc” với cách mẹ Nhật dạy con giới tính
“Sốc” với cách mẹ Nhật dạy con giới tính
Các ngành học đang “hot” tại Nhật
Các ngành học đang “hot” tại Nhật
Kinh dị xem người Nhật thưởng thức món
Kinh dị xem người Nhật thưởng thức món 'ếch tươi nguyên con'
Sakura và Hanami
Sakura và Hanami
Guốc gỗ Geta, nét văn hóa độc đáo của người Nhật Bản
Guốc gỗ Geta, nét văn hóa độc đáo của người Nhật Bản
Tìm hiểu về mặt nạ Nhật Bản
Tìm hiểu về mặt nạ Nhật Bản
Bộ ảnh cưới đậm chất Việt của cặp đôi người Nhật
Bộ ảnh cưới đậm chất Việt của cặp đôi người Nhật


Fanpage "tiếng nhật 24h"