Le Van Hoan
06/03/2014

Khi người Nhật làm du lịch…

Nếu bạn quyết định mua một món hàng nào đó của người Nhật, ít nhiều điều đó xuất phát từ sự vui vẻ, chân thành và cách ứng xử văn minh của người bán.

Không chèo kéo khách, không “chặt chém” giá cả, thay vào đó là những cái cúi chào thân tình, nụ cười rạng rỡ cùng sự giúp đỡ nhiệt tình mà không đòi hỏi quyền lợi. Chú trọng từ những tiểu tiết trong hành xử, sắp xếp không gian, lời ăn tiếng nói…là cách hữu hiệu  để người Nhật lấy tình cảm của tất cả du khách đến với đất nước này, qua đó thu về một nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngành du lịch quốc gia.

Tận hưởng một không gian thân thiện

Đó là cảm xúc được chứng thực của nhiều người khi đặt chân đến Nhật Bản, đặc biệt là những người trẻ như chúng tôi, vốn được nghe rất nhiều về sự thân thiện của xứ sở hoa Anh Đào qua báo chí, các giảng viên và nhiều bạn bè từng trải nghiệm du lịch nơi này.

Bước xuống sân bay Narita hoặc sân bay Osaka, hành khách sẽ được chào đón ngay bằng nụ cười và những câu hỏi thật gần gũi như: “Anh đến từ Việt Nam à? Tôi cũng từng đến đất nước của anh”. Tại khu nhận hành lý, nếu chẳng may bạn chậm chân thì sẽ nhanh chóng thở phào khi hành lý của bạn đã được các nhân viên sân bay sắp xếp ngay ngắn tại hàng để chờ bạn.

Khi người Nhật làm du lịch…

Thay vì chèo kéo khách, phu xe người Nhật tại Zen Garden (Kyoto)

thuyết phục du khách bằng những nụ cười ấm áp, thân thiện. 

Thực tế người Nhật không giỏi tiếng Anh song họ sẽ bằng mọi cách để hướng dẫn chi tiết cho bạn nơi mà bạn cần đến, việc mà bạn cần làm cho đến khi bạn an toàn trong nhà khách.

Cách người Nhật khiến bạn cảm thấy an tâm là ở đây mọi thứ đều được sắp xếp trật tự đâu vào đấy. Dọc nhiều con phố, người dân xếp xe đạp ngay ngắn thành hàng hai bên đường mà không phải lo sợ có ai táy máy, đụng chạm vào.

Một lần trong chuyến công tác đến Mie, đoàn chúng tôi cố tìm kiếm nơi để ăn tối sau một ngày làm việc dài. Thời tiết lạnh, thành phố Mie mới 8 giờ tối mà vắng tanh, hàng quán đóng cửa. Mọi người đều rất lo lắng vì không có lấy một xe…hủ tiếu gõ. Đúng lúc đó chúng tôi gặp một phụ nữ đang đi mua vài gói mì. Người này đã dẫn chúng tôi đến một quán ăn cách đó hàng cây số. Về sau, chúng tôi càng ngạc nhiên khi biết được đây là chuyện bình thường khi ở Nhật.

Vậy là, bằng những cách rất tự nhiên, người Nhật tạo cho khách phương xa sự an tâm và lòng tin cậy, hai yếu tố rất quan trọng khi đi du lịch, mỗi khi ghé thăm đất nước họ.

Bán niềm vui và sự hài lòng

Nếu những câu chuyện vụn vặt trên đường từ sân bay về khách sạn cho bạn sự an tâm thì phong cách ứng xử của người làm du lịch nơi đây sẽ khiến bạn không ngại “chi trả”.

 

Khi người Nhật làm du lịch…

Tín ngưỡng tại các khu đền đài rất trật tự, không có nạn chen lấn hay rải tiền khắp nơi. 

Trong khi ở nhiều nước như Cambodia và cả nước ta, hình ảnh rất quen thuộc ở các khu du lịch là những đứa trẻ lưng trần, áo cọc, mặt lấm lem, biết nói “tiếng bồi” của hai, ba ngôn ngữ, nước da đen cháy nắng…tay cầm những chiếc vòng thủ công bằng gỗ dừa, bằng len hay đất nung, đôi khi là vài ba cây sáo và rất nhiều món đồ lưu niệm nho nhỏ mời chào khách. Những đứa trẻ này sẽ phải làm công việc của chúng một cách khá vất vả khi kiên trì mời gọi người mua từ ngả đường này sang ngả đường khác. Đôi khi khách mua vì sự thích thú, hay cảm giác muốn rộng rãi một chút khi đi chơi nhưng có lúc là vì lòng thương hại. Nếu đánh vào lòng thương hại để bán hàng, số lượng sẽ chẳng đáng là bao. Quan trọng hơn cả là khách du lịch sẽ không quay trở lại, tìm gặp người bán để mua thêm vài món.

Một nghệ thuật bán hàng của người Nhật là không gặt hái lòng thương hại của khách du lịch để lấy tiền, ngay cả một anh phu kéo xe dạo phố. Chiếc xe buýt số 28 đưa tôi đến khu du lịch Rừng Tre, cách nhà ga Kyoto khoảng một giờ xe chạy. Tại đây, phương tiện xe xích lô kéo rất phổ biến, thuận tiện cho du khách đi dạo vòng quanh khu vực hàng trăm héc-ta này.

Phu xe ăn mặc rất lịch sự, áo quần tinh tươm, đứng thành hàng ngang tại các khu vực khác nhau để đón khách. Gặp du khách đi ngang, họ chỉ cười và ra hiệu mời đi xe kéo. Tôi đứng gần đó quan sát một lúc lâu, dường như có kẻ qua hỏi đường, có người lại hỏi giá nhưng dù không ai đi, các phu xe miệng vẫn cảm ơn, đầu vẫn cúi chào. Một đoàn khách đi được năm ba mét, sau khi bàn bạc khá kỹ, họ quay lại gọi bốn chiếc để bảy người cùng đi. Tôi tin một phần họ quyết định bỏ tiền ra thuê xe chính là vì yêu mến phong cách ứng xử lịch thiệp, chu đáo của những phu xe, vì họ thấy cần những chiếc xe đó cho một hành trình hoàn hảo chứ tuyệt nhiên không phải sự thương hại.

Đến bất cứ một khu vực thương mại nào ở Nhật, dù là cửa hàng lớn hay những sạp hàng nhỏ bên đường, khách tham quan cứ thoải mái ngắm nghía, lựa chọn, ướm thử tất cả những gì mình thích với sự giúp sức đắc lực của người bán. Sau đó, dù có mua hàng hay không, bạn cũng sẽ nhận được nụ cười tươi tắn, câu cảm ơn chân thành từ chủ hàng. Chính vì không bao giờ phải cảm thấy ngại khi lựa chọn quá kỹ…, ngại sự chèo kéo, khó chịu của người bán nếu ta không ưng mà du khách luôn tìm được cho mình món hàng ưng ý sau một hồi lâu thoải mái…tìm kiếm. Cái mà ngành du lịch Nhật Bản giành được chính là thái độ vui vẻ, hài lòng khi trả tiền của du khách bởi thái độ phục vụ chân thành họ nhận được.

Du lịch hiện đại nhưng đậm chất truyền thống

Một điều mà tôi cùng nhiều bạn trẻ khác rất ngưỡng mộ khi đến Nhật là cách người Nhật “hiện đại hóa truyền thống” của họ. Tại đây, tuyệt nhiên không có sự pha tạp hỗn độn giá trị của người Nhật với những giá trị toàn cầu hóa. Hệ thống khách sạn là một điển hình.

Có hai loại khách sạn, một được xây hoàn toàn theo phong cách phương Tây với nội thất hiện đại. Một dạng khác được dựng theo kiểu nhà ở truyền thống của người Nhật với cách ăn, ngủ, sinh hoạt, vui chơi và làm việc theo phong cách mà chỉ người Nhật mới có. Dù là một trong những quốc gia phát triển và hiện đại nhất trên thế giới, người Nhật vẫn không quên bảo tồn không gian văn hóa mà ông cha để lại từ hàng trăm năm trước. Họ nâng cấp và tu bổ để những công trình đó phù hợp hơn, tồn tại bền vững hơn với đặc trưng thời tiết. Đặc biệt, không gian truyền thống được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật. Đây cũng là một cách để quảng bá văn hóa Nhật Bản đến với thế giới.

Không đập cũ xây mới, sự biến chuyển mềm mại trong văn hóa Nhật luôn khiến du khách thoải mái, thán phục tinh thần dân tộc của họ, yêu thích văn hóa của họ hơn. Chợt nhớ tới hàng ngàn cây cầu khỉ tại Việt Nam bị xóa sạch. Một chút luyến tiếc cho giá trị văn hóa nhiều đời nay, vốn thể hiện sự khéo léo của người Việt.

Thiết nghĩ nếu xây dựng cầu mới hiện đại và bảo trì, gìn giữ hình ảnh cầu truyền thống, biết đâu du khách đến Việt Nam sẽ thêm phần thích thú như khách đến Nhật được tắm “hot springs”, kiểu tắm truyền thống của người Nhật vậy.


Bài viết ngẫu nhiên
30 món quà lưu niệm phổ biến tại Nhật Bản
30 món quà lưu niệm phổ biến tại Nhật Bản
Omamori – Bùa hộ mệnh ở Nhật Bản
Omamori – Bùa hộ mệnh ở Nhật Bản
Furoshiki: Vuông khăn Nhật Bản
Furoshiki: Vuông khăn Nhật Bản
Mì Udon – Món ăn truyền thống của Nhật Bản
Mì Udon – Món ăn truyền thống của Nhật Bản
Các loại ma ở Nhật Bản (p1)
Các loại ma ở Nhật Bản (p1)
Sai lầm về du học tại Nhật
Sai lầm về du học tại Nhật
Văn hóa xếp hàng của người Nhật
Văn hóa xếp hàng của người Nhật
Fushimi Inari – ngôi đền nghìn cánh cổng thiêng
Fushimi Inari – ngôi đền nghìn cánh cổng thiêng
Những điều kỳ lạ về công nghiệp tình dục ở Nhật
Những điều kỳ lạ về công nghiệp tình dục ở Nhật
5 món ngon không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản
5 món ngon không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản


Fanpage "tiếng nhật 24h"